Con tin được thả kể lại việc dân cư Kibbutz bị giết bởi hỏa lực Israel
Bài viết gốc bởi: David Sheen và Ali Abunimah, được đăng trên "The Electric Intifada" vào ngày 12/03/2024
Một phụ nữ Israel từng bị các chiến sĩ Palestine bắt làm con tin vào ngày 7 tháng 10 năm 2023, tỏ lòng biết ơn với các phi công trực thăng Israel – người đã nổ súng vào chiếc xe chở cô, giết chết một người Israel khác cùng toàn bộ những kẻ bắt cóc, theo Kênh 12 của Israel đưa tin tháng trước (tháng 4/2025).
Shani Goren, 29 tuổi, cư dân Kibbutz Nir Oz, bị bắt cóc từ nhà riêng dưới họng súng bởi các chiến sĩ người Palestine và bị đưa sang dải Gaza, nơi cô bị giam giữ trong 55 ngày. Cô được thả vào ngày 30 tháng 11.
Tuy nhiên, trước khi đến Gaza, chiếc xe chở Goren đã bị một trực thăng chiến đấu của Israel tấn công với hỏa lực mạnh.
Khi tiếng súng ngừng lại, Goren nhận ra những viên đạn từ trực thăng đã giết chết toàn bộ những kẻ bắt cóc cô, cùng với một phụ nữ Israel khác - Efrat Katz, cũng là cư dân Nir Oz.
“Quần tôi rách tươm và đầy máu. Tôi ngẩng đầu lên và thấy mọi thứ xung quanh vỡ lở ngay trước mắt mình” Goren kể lại với Ilana Dayan, người dẫn chương trình điều tra nổi tiếng Uvda của Kênh 12 - tình cờ cũng là chị họ của cô. “Tất cả bọn khủng bố đã chết.”
Goren cùng những con tin Israel khác sống sót sau trận mưa đạn từ trực thăng đã bị một nhóm chiến sĩ Palestine khác trên một chiếc xe kéo từ Nir Oz bắt đi chỉ vài phút sau đó.
Chỉ duy nhất một người là bà Neomit Dekel-Chen, 63 tuổi, thoát khỏi số phận đó bằng cách giả vờ bị thương nặng do trúng đạn từ trực thăng.
Vào ngày 7 tháng 10, quân đội Israel đã triển khai “Chỉ thị Hannibal” gây tranh cãi - một mệnh lệnh cho phép tiêu diệt con tin Israel nhằm ngăn việc phải trao đổi họ để đổi lấy tù nhân Palestine.
Tại Kibbutz Be’eri, một khu định cư khác gần hàng rào biên giới với Gaza, quân đội Israel đã tấn công một ngôi nhà đang giữ 14 con tin dân sự Israel và vài chục chiến sĩ Hamas.
Tất cả các chiến sĩ Qassam, ngoại trừ một người, và tất cả con tin, trừ hai người đã thiệt mạng trong cuộc đấu súng dữ dội. Ít nhất ba dân thường, bao gồm bé gái Liel Hatsroni, 12 tuổi, bị thiêu cháy do pháo tăng Israel bắn vào ngôi nhà.
Theo Báo điện tử intifada đã đưa tin trước đó, Tướng Barak Hiram, vị tướng người Israel ra lệnh khai hỏa vào căn nhà, đã bịa ra một câu chuyện để che đậy vụ việc này khi trả lời phỏng vấn của Ilana Dayan thuộc Kênh 12 vào tháng 10.
Gia đình của các nạn nhân Israel bị quân đội nước mình sát hại tại Kibbutz Be’eri đã yêu cầu quân đội điều tra ngay lập tức về quyết định sử dụng hỏa lực mức mạnh dẫn đến cái chết của người thân họ.
Nguồn tin từ quân đội Israel cho biết, vào ngày 7 tháng 10 các trực thăng chiến đấu và drone vũ trang phủ đầy bầu trời phía nam Israel và xung quanh Gaza.
Kênh tin tức Israel Ynet đưa tin vào tháng 11: “28 trực thăng chiến đấu bắn hết sạch số đạn mang theo trong ngày và quay lại để nạp thêm”.
Ynet đặc biệt nhắc đến Trung tá A., chỉ huy Phi đội 190, vào khoảng giữa buổi sáng ngày 7 tháng 10 đã ra lệnh cho các phi công khác “bắn vào tất cả những gì họ thấy trong khu vực hàng rào.”
“Nếu anh ta bắn tiếp, tôi sẽ chết”
Ít nhất một người sống sót sau trận không kích của trực thăng Israel, vốn đã giết chết cư dân Nir Oz, Efrat Katz, đã liên tục lên án việc Israel sẵn sàng hi sinh tính mạng của công dân nước này - từ ngày cô bị bắt, khi cô bị giam giữ ở Gaza, và khi cô trở về từ ngày 27 tháng 11.
Trong một cuộc gặp với Thủ tướng Benjamin Netanyahu và nội các thời chiến một tuần sau khi được trả tự do, Sharon Cunio đã lên án mạnh mẽ các nhà lãnh đạo Israel vì đã phê chuẩn "Chỉ thị Hannibal", đồng thời cầu xin họ không mạo hiểm với mạng sống của chồng cô, David Cunio – người vẫn còn bị giam ở Gaza.
“Chúng tôi cảm giác như không ai làm gì để giúp chúng tôi. Tôi đã ở một nơi trú ẩn bị đánh bom, và bị bắt cóc khỏi nơi đó, trong khi đang bị thương. Chưa kể đến chiếc trực thăng đã bắn vào chúng tôi trên đường sang Gaza. Mọi người nói là có tình báo, nhưng thực tế là chúng tôi đã bị đánh bom,” Cunio nói trong cuộc họp, theo bản ghi âm do Ynet thu thập.
“Chồng tôi đã bị tách ra khỏi chúng tôi ba ngày trước khi chúng tôi trở lại Israel và được đưa qua đường hầm,” Cunio kể lại với các thành viên nội các. “Và giờ các vị bàn về việc làm ngập hầm bằng nước biển? Các người đang đánh bom đoạn đường hầm nơi họ đang bị giam giữ.”
Sự tức giận của Cunio với việc Israel liên tục thi hành “Chỉ thị Hannibal” khác với thái độ của Goren, người cũng bị bắt tới Gaza trên cùng một chiếc xe tuk tuk - một phương tiện di chuyển cỡ nhỏ.
Khi được hỏi liệu có điều gì muốn nói với phi công trực thăng đã nổ súng vào họ, Goren vừa bày tỏ lòng cảm kích, vừa nuối tiếc vì anh ta không tiếp tục nổ súng vào nhóm chiến sĩ Palestine thứ hai.
“Cảm ơn anh – và tại sao anh không ở lại? Tại sao anh không tiếp tục tiêu diệt tất cả những kẻ đó?” Goren nói trên Kênh 12. “Chỉ cần một chiếc trực thăng nổ súng, mọi chuyện đã ổn. Chúng tôi đã không bao giờ đến được Gaza.”
Sự biết ơn đó càng đáng chú ý khi chính Goren thừa nhận rằng cô cũng có thể đã chết giống như Efrat Katz nếu trực thăng quay lại bắn tiếp.
“Tôi cố gắng ẩn nấp, rúc vào trong hết mức có thể,” Goren nói với Ilana Dayan khi cả hai cùng xem đoạn video ghi lại chiếc xe thứ hai đưa cô sang Gaza. “Lúc đó tôi sợ rằng trực thăng sẽ bắn tiếp vào chúng tôi. Lần này lưng tôi lộ ra. Nếu anh ta bắn nữa, người chết sẽ là tôi.”
Goren cũng kể lại việc cô cùng những con tin Israel khác bị đưa đi vội vã vào ngày 23 tháng 10 bởi những chiến sĩ Palestine, do có cảnh báo về đánh bom, có thể là từ phía quân Israel.
“Quân ta bắn quân mình” với hỏa lực mạnh
Doron Katz-Asher và hai cô con gái nhỏ, Raz và Aviv, cũng có mặt trên chiếc xe đầu tiên bị trực thăng Israel tấn công, cùng với mẹ cô, Efrat Katz, và Shani Goren.
Trong một cuộc phỏng vấn với Kênh 12 hồi tháng 12, Katz-Asher kể lại những gì cô nghĩ trong khoảnh khắc trực thăng khai hỏa - khiến mẹ cô thiệt mạng và bản thân cô cùng bé Aviv, mới 2 tuổi, bị thương.
“Nghe thật khó tin, nhưng tôi có cảm giác như đang ở trong một bộ phim chiến tranh, với tiếng súng đạn và khủng bố, và tôi đã rất mong được đưa sang Gaza, một nơi an toàn hơn, theo nghĩa trong ngoặc kép, nơi ít ra tôi sẽ không bị bắn, và có thể họ sẽ chữa trị vết thương của chúng tôi.”
“Tôi còn thấy nhẹ lòng sau khi đến được Gaza mà còn sống,” Katz-Asher nói thêm.
Katz-Asher cùng hai con gái được trả về vào ngày 24 tháng 11 theo thỏa thuận ngừng bắn tạm thời và trao đổi tù binh trong tháng đó.
Khi còn ở Gaza, Katz-Asher cho biết cô luôn cảm thấy “chúng tôi bị bỏ rơi” bởi chính phủ Israel và “có vẻ họ chỉ bận tâm đến việc trả thù.”
Quân đội Israel đã thừa nhận có “một lượng lớn và phức tạp” các vụ nổ súng vào người dân Israel trong ngày 7 tháng 10.
Tuy nhiên, theo Ynet, quan điểm của quân đội là “sẽ không hợp đạo lý nếu điều tra” các vụ việc này.
Về cái chết của Efrat Katz, phía quân đội chỉ đưa ra tuyên bố: “Theo kết quả giám định vụ việc, hiện chưa thể đưa ra phản hồi chắc chắn trước những cáo buộc của gia đình.”
Tính đến nay, vẫn chưa có con số chính thức nào cho biết trong số khoảng 1.200 người Israel và người nước ngoài thiệt mạng hôm đó, có bao nhiêu người bị chính lực lượng Israel giết nhầm.
Một số ý kiến cho rằng Efrat Katz, với thân phận cư dân kibbutz, vốn bị coi là cánh tả theo quan điểm ở Israel, có thể bị xem là không đáng được cứu.
Sống trên vùng đất bị đánh cắp
Dù những người Zionist từng quảng bá kibbutz như những nông trại tập thể lý tưởng mang tính xã hội chủ nghĩa, thực tế là chúng là các khu định cư thuộc địa chỉ dành riêng cho người Do Thái, xây dựng trên đất đai bị chiếm từ người Palestine.
Nir Oz cùng một số khu định cư lân cận được xây dựng trên phần đất của gia đình Abu Sitta, từng sinh sống tại ngôi làng al-Main, cho đến khi bị trục xuất sang Gaza bởi những thực dân Zionist trong thảm họa Nakba.
Hầu hết các khu định cư này vốn được xây dựng để làm tiền đồn quân sự nhằm củng cố việc chiếm đóng của nhà nước định cư thực dân Israel mới thành lập.
Al-Main bị các lực lượng dân quân Do Thái tấn công vào ngày 14 tháng 5 năm 1948. Haganah, nhóm vũ trang Zionist, tiền thân của quân đội Israel, “đã phá hủy và thiêu rụi nhà cửa, san phẳng ngôi trường xây từ năm 1920, cho nổ giếng khoan và cối xay bột,” theo lời nhà địa lý học nổi tiếng người Palestine Salman Abu Sitta, cũng là người sống sót sau vụ trục xuất.
“Họ dũng cảm kháng cự trong vài giờ, chỉ có 15 người Palestine với vài khẩu súng trường cũ,” ông kể lại. “Khi đó tôi là một đứa trẻ, tôi đã chứng kiến tàn tích của làng mình bốc cháy khi đang tụ lại cùng với phụ nữ và trẻ em khác trong một khe núi. Tôi chưa từng thấy người Do Thái trước đó và không hiểu họ là ai và vì sao họ lại đến phá hủy cuộc sống của chúng tôi.”
Từ đó bắt đầu cuộc đời tị nạn của ông Abu Sitta.
Năm năm trước, tổ chức De-Colonizer, một dự án hướng tới giáo dục về sự kiện Nakba, đã mở một triển lãm trong ngôi nhà cuối cùng còn sót lại tại al-Main và mời cư dân Israel ở các kibbutz lân cận đến xem.
“Những phản ứng giận dữ nhất và những lời đe dọa đến từ một dân cư kibbutz hơn 80 tuổi đã từng chứng kiến và tham gia tấn công al-Main,” Abu Sitta chia sẻ.
Những người định cư thực dân khác cũng có thái độ tức giận, phủ nhận và thách thức khi phải đối mặt với sự thật rằng họ đang ở trên mảnh đất bị chiếm đoạt từ những người đang phải sống đời tị nạn, bị giam giữ trong một khu ổ chuột chỉ cách đó không xa.
Tuy nhiên, một số người tham dự lại có phản ứng sâu sắc, và trong số đó chính là Efrat Katz.
“Những gì tôi thấy hôm nay rất xúc động, thậm chí rất đau đớn. Dù đã sống ở đây hơn 35 năm, tôi cảm thấy cần và hy vọng được hồi sinh mảnh đất này với những tình cảm khi xưa, với văn hóa và tập tục của các bạn, những cư dân nơi đây,” Katz viết tay lại.
“Một vùng đất không phải chỉ là gạch đá. Đó là giá trị, là cội nguồn, là tình yêu dành cho một nơi chốn. Không thể có chuyện trục xuất. Trái tim tôi hướng về các bạn.”
“Tôi đã có thể là một trong những người đã phá rào đó, nếu tôi trẻ hơn và vẫn còn sống ở trong trại tập trung có tên Dải Gaza,” Salman Abu Sitta, giờ đã hơn 80, viết những dòng này hồi tháng 1.
Efrat Katz chết hôm ấy dưới bàn tay của những người có nhiệm vu bảo vệ bà.
Cơ hội cho một tội ác… đã không xảy ra
Lời kể của Shani Goren về việc bị bắt vào ngày 7 tháng 10 cũng đi ngược lại tuyên bố của chính phủ Israel rằng các chiến sĩ Palestine đã được chỉ đạo cưỡng hiếp phụ nữ Israel trong cuộc tấn công.
Khi kibbutz bị tấn công vào sáng sớm thứ Bảy, Goren làm theo lời khuyên của anh trai Amit và cố thủ trong phòng ngủ. Khi 5 chiến sĩ Palestine xông vào phòng cô, họ thấy cô mặc rất ít quần áo. “Tôi mặc quần lót, không áo ngực, và áo croptop như tôi mặc đi ngủ hàng ngày,” cô kể với Dayan.
Một trong những tay súng lục tủ, lấy ra một chiếc lấy quần và đưa cho cô: “Hắn ném cho tôi một chiếc quần bó,” cô kể. Hắn bảo: “‘Mặc vào.’”
Khi ấy, lực lượng Palestine đã hoàn toàn kiểm soát Nir Oz. “Tôi nhìn quanh - hàng tá người của họ,” Goren nhớ lại. “Không thấy ai khác. Tôi nói: quân đội đâu rồi?”
Nếu các chiến sĩ này thực sự được lệnh cưỡng hiếp, thì việc làm hại Goren khi đó là quá dễ dàng. Nhưng họ chỉ dắt cô đi vòng quanh làng, như thể để ăn mừng chiến thắng khi kiểm soát được kibbutz.
Ilana Dayan mô tả đó như “một vòng diễu hành chiến thắng qua các con đường Nir Oz.”
Muốn giảm căng thẳng, Goren xin thuốc lá từ người đứng đầu những người Palestine bắt cô. Người này mới đi tới một chiến sĩ khác, lấy điếu thuốc và cho phép cô hút. Một lát sau, một tay súng khác quát lên và bắt cô dập thuốc.
Việc một phụ nữ Israel 29 tuổi, mặc rất ít quần áo, không bị xâm hại tình dục khi nhóm bắt cóc có cơ hội để làm vậy, hay cả trong thời gian gần hai tháng bị giam, không phải là bằng chứng rằng không có vụ xâm hại tình dục nào xảy ra trên chiến trường ngày hôm đó.
Nhưng điều đó cung cấp thêm bối cảnh để phản bác các cáo buộc từ phía Israel, vốn dựa trên lời khai đã bị bác bỏ và không đáng tin, được đưa ra mà không có bằng chứng pháp y hay lời khai nhân chứng - rằng các hành động này đã được lên kế hoạch, có hệ thống và được tiến hành dưới chỉ đạo của các lãnh đạo như một “vũ khí chiến tranh.”
Về mặt này, trải nghiệm của Goren vì thế cần được đặt bên cạnh lời kể của Yasmin Porat – một trong hai người sống sót sau vụ pháo kích vào ngôi nhà tại Kibbutz Be’eri theo lệnh của Tướng Barak Hiram.
Trả lời phỏng vấn Đài phát thanh quốc gia Israel hồi tháng 10, Porat cho biết các chiến binh Palestine đã đối xử “rất nhân đạo” với cô và các con tin khác.
Cô khẳng định rằng họ muốn “đưa chúng tôi về Gaza. Chứ không phải giết chúng tôi.”
“Dù rất sợ hãi, nhưng không ai hành hung chúng tôi” Porat nói. “May mắn là tôi không gặp những chuyện như báo đài đưa tin.”